Tác dụng của cá rô
Con cá rô còn gọi là quyết ngư, tên khoa học Siniperca chualsi (Basilewsky). Thịt cá có vị ngọt, tính bình, tác dụng bổ khí huyết, ích tý vị, rất tốt cho người khí huyết suy, cơ thể suy nhược, tỳ vị yếu, ăn uống không tiêu. Dưới đây là một số món ăn từ cá rô.
Canh cá rô nấu với rau cải: Cải bẹ xanh và gừng có tác dụng bổ khí huyết, ích tỳ vị, tiêu thực, làm ra mồ hôi, giải độc. Món ăn này rất tốt cho những người khí huyết suy, cơ thể gầy yếu, ăn uống không tiêu, cảm lạnh, nôn mửa, ho đàm. Tuy nhiên, những người đang bị sốt, ra nhiều mồ hôi thì không nên dùng.
Cá rô kho tộ với thịt ba chỉ: Có tác dụng bổ dưỡng khí huyết, mạnh gân cốt, ích tỳ vị, nhuận trường, an thần. Rất tốt cho người suy nhược cơ thể, ăn uống kém, mất ngủ, suy nhược thần kinh, gân cốt yếu mỏi. Cách thực hiện như sau: Cá rô 500g, thịt ba chỉ 200g, nước dừa lấy từ 1 quả dừa, tỏi, nước hàng, hạt nêm, nước mắm.
Cá rô thuôn hành răm (cá rô nấu với hành củ và rau răm); canh cá rô nấu miến (cá rô nấu với miến, nấm hương, hành củ, rau răm): Đây là những món rất ngon lại bổ dưỡng khí huyết, lợi ích cho tỳ vị.
Canh cá rô rau nhút: Là món ăn của người Nam Bộ có mùi thơm ngon đặc trưng, có tác dụng bổ dưỡng, ích tỳ vị, trợ tiêu hóa, nhuận trường, an thần. Rất tốt cho người ăn ngủ kém, suy nhược thần kinh, táo bón.
Cá rô 500g, chọn con béo, to, làm sạch. Đem luộc chín cá, vớt ra gỡ lấy thịt, ướp với nước mắm, muối, tiêu. Phần xương cá có thể đem giã nhỏ, lọc lấy nước nấu chung với nước luộc cá. Rau nhút 300g, bỏ rễ và lớp phao trắng bên ngoài, rửa sạch, cắt khúc 3 - 4cm.
Đun nước sôi, cho thịt cá vào, đến khi sôi lại thì cho rau nhút vào. Canh sôi lại thì nêm thêm nước mắm, muối, bột ngọt cho vừa ăn. Múc canh ra tô, rắc ít tiêu và hành lá xắt nhỏ lên trên. Dùng ăn nóng trong bữa ăn.